"Một cậu học sinh lớp 4 ngồi cuối không học bài, nhìn chằm chằm cô giáo. Khi hỏi, em ấy bảo cô xinh quá không học được" - Thúy Ngân kể.
Dù mới ra trường chưa lâu nhưng Bùi Thúy Ngân (sinh
năm 1991) đã có kinh nghiệm hai năm đứng lớp. Hiện Ngân là một trong
những giáo viên trẻ tuổi nhất của trường tiểu học Tân Định, Hà Nội.
Chia sẻ về lý do chọn nghề giáo, Ngân cho biết, ban đầu cô có ý định
kinh doanh. Tuy nhiên, sau khi nghe những lời khuyên của cha mẹ và gia
đình, theo học và giảng dạy một thời gian, cô cảm thấy công việc này rất
phù hợp với mình và ngày càng yêu nghề hơn. “Đúng là nghề chọn mình” -
Ngân nói.
Rèn luyện không ngừng để trở thành cô giáo
Quyết định theo nghề giáo viên đồng nghĩa với việc Thuý Ngân cũng như
các bạn trẻ khác chấp nhận đương đầu cùng những khó khăn, vất vả. Bởi
Ngân cho biết, công việc này đòi hỏi những người đứng trên bục giảng
phải không ngừng trau dồi kiến thức và đặc biệt là có trách nhiệm, nhằm
tạo được những bước đi đầu đời vững chắc cho học sinh.
Để có thể trở thành một cô giáo tốt, yêu nghề, Ngân đã phải trải qua 3
năm học tập trong môi trường đào tạo sư phạm rất khắt khe. “Chúng mình
học đến 12 tiết/ngày, gấp đôi các trường khác. Hôm nào cũng đi từ sáng
sớm đến chiều muộn mới về được đến nhà” - cô giáo trẻ cho hay.
Đó là còn chưa kể đến những khó khăn, khi một giáo viên tiểu học như
Ngân cần nghiên cứu tất cả các môn học từ toán, ngữ văn cho đến địa lý,
lịch sử và bắt buộc luyện chữ viết thật đẹp. Cô chia sẻ: “Mặc dù kiến
thức cấp 1 không nhiều nhưng phương pháp dạy cho các em học sinh dễ hiểu
lại rất khó”.
Để trở thành giáo viên tiểu học, Ngân phải không ngừng rèn viết chữ đẹp.Ảnh sưu tập : Thời Trang Đặng Thành
Hai năm đứng lớp, tuy nhiên mỗi năm lại được chủ nhiệm một khối khác
nhau khiến cô giáo 9X gặp nhiều vất vả. Ngân cho biết, việc dạy cho học
sinh lớp 1 và 4 rất khác nhau. Bởi “các em lớp 4 có ý thức nhưng kiến
thức lại nặng và khó, còn lớp 1 thì hoàn toàn ngược lại”.
Chia sẻ về những ngày mới nhận dạy lớp 1, cô giáo trẻ vẫn còn chưa hết
bàng hoàng. “Ban đầu mình thấy sợ và bỡ ngỡ vì các em còn bé quá, do
chuyển lên từ mẫu giáo nên chủ yếu chỉ thích chơi. Mình phải dỗ nhiều
hơn là dạy và rèn luyện ý thức cho học sinh là chính” - cô nói.
“Lớp lại có đến 44 học sinh mà phần lớn đều hiếu động khiến mình khá
đau đầu. Nhiều lúc các em cứ chăm chú nghe thế thôi nhưng thực ra không
vào đầu chút nào” - Ngân cho biết thêm.
Trong suốt quá trình tham gia hoạt động giảng dạy, cô gái sinh năm 1991
đã phải không ngừng trau dồi kiến thức, vừa làm vừa học cũng như thường
xuyên gặp các giáo viên khác trao đổi kinh nghiệm, phương pháp truyền
đạt sao cho hiệu quả. Song đối với cô, nắm bắt tâm lý học sinh vẫn là
thử thách lớn nhất.
Ngân chia sẻ: “Dạy tiểu học lúc nào cũng cần động viên, dỗ dành các em.
Những lần nổi cáu, mắng xong mình lại phải nhẹ nhàng ngay để không gây
áp lực quá nhiều cho học sinh”.
Nhiều kỷ niệm khó quên với học trò
Là một giáo viên, áp lực từ việc giảng dạy, chăm sóc học sinh cùng
những lần dự giờ đột xuất không ít; tuy nhiên đối với Thuý Ngân, kỷ niệm
có được với các học trò đáng yêu vẫn là khó quên hơn cả.
Ngân cho biết, học sinh lớp 1 mới tập viết chữ nên nghe và đánh vần rất
chậm, nhiều khi chỉ cần chép y nguyên như trên bảng nhưng còn sai. Các
em lại thích đùa nghịch, giơ tay thưa cô để mách tội nhau... bất kể khi
đang dự giờ. Thỉnh thoảng, Ngân cũng bắt được một vài thư tình của học
sinh trong giờ học khiến cô vừa tức lại vừa buồn cười.
Cô giáo trẻ còn không thể quên được các bài văn sai chính tả hay miêu
tả nhân vật vô cùng ngây thơ của học trò như: “Bố em bán chim, chim của
bố rất to, hót rất hay, rất nhiều người đến hỏi mua chim của bố em…” hay
“Buổi sáng bố gọi em dậy ăn sáng. Ăn sáng xong bố đèo em đi học, xong
bố đi làm, đến chiều bố đón em, bố lại cho em ăn…”. “Đúng là trẻ con,
rất hồn nhiên, có cái gì là kể hết” - cô nói.
Bên cạnh đó, không ít lần Ngân gặp phải những tình huống khó xử. Đó là
khi một học sinh nam lớp 1 hôm nào đi học cũng khóc, viện đủ lý do để
đòi về, trốn cả ăn trưa. Khi ấy, cô giáo trẻ đã phải động viên rất
nhiều: “Con lớn rồi, hơn các em mẫu giáo rồi. Con còn là con trai, khóc
như này các bạn sẽ cười”.
Ngân chia sẻ: “Có lần mình vừa đi đám cưới về nên vào lớp có trang
điểm. Một cậu học sinh lớp 4 ngồi cuối không học bài, cứ nhìn chằm chằm,
rất xấu hổ. Khi hỏi, em ấy bảo cô xinh quá không học được làm mình
không biết nói gì”.
Song ấn tượng sâu sắc nhất đối với Ngân vẫn là tập thể lớp 4 nghịch
nhất trường mà cô từng làm chủ nhiệm. Là cô giáo trẻ tuổi, chưa có kinh
nghiệm nên Ngân thường bị trêu, phá quấy. Cô cho biết, trong một giờ dạy
địa lý, khi cô giảng bài thì học sinh ở dưới nói chuyện, cười đùa, nhắc
thế nào cũng không được. “Lúc đấy mình rất buồn, ức quá không dạy nổi,
mới đi ra ngoài hành lang. Bản thân hay mau nước mắt nên cứ thế đứng
khóc” - cô nói.
Tuy nhiên, Ngân cho biết, cô lại cảm thấy vui vì sau đó, học sinh hiểu
mình hơn và có sự thay đổi, không còn nói chuyện nhiều nữa. Đặc biệt là
các học trò nhỏ còn biết quan tâm, viết thư xin lỗi và góp tiền tặng món
bánh su kem mà cô thích ăn.
Nói về nghề mà mình lựa chọn, Thuý Ngân chia sẻ cô không ít lần nản
chí, muốn bỏ cuộc. Đặc biệt là khi trong lớp cô chủ nhiệm có một học
sinh bị mắc bệnh máu trắng và mới mất. Song chính những kỷ niệm, tình
cảm mà học trò dành cho cô cùng sự ngây thơ, trong sáng của các em đã
khiến cô giáo trẻ thêm hào hứng, tươi trẻ và yêu nghề hơn.
============================================