Thứ Ba, 7 tháng 10, 2014

Tội tình chi lắm quần jeans ơi?



Giản đơn nhưng cá tính, cổ điển và đương đại, tuềnh toàng mà gợi cảm… Đó là đôi chút trong số hàng chục, thậm chí hàng trăm mỹ từ âu yếm mà người ta nói về chiếc quần jeans.


Ấy thế mà gần đây, jeans bị cấm lên giảng đường của một trường đại học, lại bị gán rõ lắm tiếng tăm oan uổng. Những người yêu jeans mới giật mình lật lại lịch sử của chiếc quần danh tiếng, để gượng tìm xem hà cớ gì lại bắt lỗi quần jeans.


Hà cớ gì lại bắt tội quần jeans? (Ảnh minh họa)


Năm 1850, cha đẻ của jeans là Levi Strauss phát minh ra chiếc quần từ chất liệu này khi ông đi đào vàng. Và cả thế giới nên thầm cảm ơn tạo hóa vì đã không đặt vàng vào tay Levi bởi nếu không, chúng ta đã chẳng được mặc những chiếc quần jeans chắc chắn, cá tính như vậy.



Trải qua bao thăng trầm lịch sử, chiếc quần màu xanh như đại dương, với những đường đinh đóng dày dặn, kín đáo chính chuyên và sexy bội phần ấy đã chinh phục mọi trái tim, từ người lao động tới chính trị gia, từ sinh viên nghèo tới minh tinh giải trí, nam và nữ, người trẻ và cả người già…



Quần jeans là biểu tượng của tuổi trẻ sôi nổi, tự do và đầy cá tính.


Biết bao người lao tâm khổ tứ tìm hiểu về khả năng chinh phục và công phá của jeans, để rồi nhận ra jeans thật cá tính và đa dạng, bất tử và không bao giờ lỗi mốt. Người ta bảo rằng do jeans bền. Đáp án ấy cũng chẳng sai. Có trang phục nào cùng anh đi khắp chốn cùng nơi, dãi gió dầm sương mà vẫn chắc chắn, giữ phom, ôm dáng như jeans?


Có người lại cho là jeans đẹp nên mới “thuyết phục” được cả những tín đồ thời trang quái tính. Quả thật như vậy! Quần jeans không những đẹp tự thân, mà còn dễ kết hợp với nhiều trang phục, và “ban phát” cá tính thật hào phóng cho người mặc chúng.


Chỉ với một chiếc quần jeans giá rẻ, người ta có thể sành điệu khi kết hợp với giày cao gót, có thể thoải mái, năng động khi phối với áo thun, giày thể thao, có thể hoài cổ khi mặc quần ống loe, có thể nghịch ngợm với quần jeans mài bạc…


Lại có kẻ ngợi ca jeans vì lúc nào cũng hợp mốt, chẳng khi nào lỗi thời. Càng đúng! Jeans đã theo những người từ lớp bố, mẹ anh từ những thập niên trước, và lạ kỳ thay dẫu chẳng thay hình đổi dáng nhiều nhặn, chẳng ai dám chê anh lạc hậu khi lại “bận” quần jeans đi chơi cùng chúng bạn.


Nhiều người từng khẳng định khi không biết phải mặc gì, người ta chọn quần jeans cũng vì những lẽ ấy.



Jeans trẻ trung và chẳng bao giờ lỗi mốt. (Ảnh minh họa)


Nhưng jeans không chỉ dừng ở một trang phục, một cái gì để người ta khoác tạm lên người những khi rối trí. Chiếc quần màu xanh ấy còn kể cả một câu chuyện, mang trong mình cả một nền văn hóa.


Chẳng thế mà những năm 50 của thế kỷ trước, giới trẻ Mỹ chọn jeans làm biểu tượng cho sự phá cách, bất tuân, tự do, mà là cái tự do rất đẹp: Tự do bảo vệ hòa bình, tự do nói lên những điều họ yêu thích.


Người ta mặc jeans đến dự những đại nhạc hội tưng bừng khí thế, và còn truyền tai nhau tuyên ngôn cải biến: “Make jeans, not war” (Hãy làm quần jeans, chứ đừng gây chiến, biến tấu của câu Make love, not war: Hãy “yêu nhau” chứ đừng gây chiến.)



Jeans tôn vinh bình đẳng giới, nhân quyền, bất phân nam nữ, chẳng luận đẳng cấp, dễ dãi và đỏm dáng. Và trên tất cả, jeans đại diện cho giới trẻ, cho một thứ quyền lực tuổi trẻ, tươi mới, sống động. Chẳng có thế mà tới tận bây giờ, người ta vẫn mê mẩn ca từ của bài hát: Forever in blue jeans (Mãi mãi mặc chiếc quần Jeans).



Quần jeans là tuyên ngôn của tuổi thanh xuân.


Quả thật, có lúc jeans vượt qua lằn ranh mong manh của phản cảm và sành điệu, với đủ kiểu rách rưới, te tua, tơi tả và bốc mùi. Cũng từng có lần những nhà giáo dục của chính nước Mỹ, nơi tôn vinh jeans, đắn đo, thậm chí cấm cửa jeans vì cho rằng những thiếu nữ mặc nó chẳng khác nào những cô gái làng chơi.



Ấy thế mà cho tới cùng, jeans lại được “tha bổng”, thiếu nữ Mỹ lại mặc jeans đến trường, giáo viên cũng chẳng ngại ngần cùng jeans lên bục giảng. Có lẽ người ta nhận ra rằng chiếc quần jeans đúng nghĩa, chân phương hóa ra lại chẳng có tội tình gì, và gán cho jeans cái tội làm hư nhân phẩm thì có phần oan uổng quá.


Người ta lại cũng nhận ra chẳng mấy trang phục thay được cái độ bền, đẹp, cái thông điệp văn hóa mà jeans truyền tải.


Thôi thì hãy lấy lý do: “Yêu nhau lắm, cắn nhau đau.” Cũng vì được yêu mến quá mà lắm khi lại bị soi xét bất công. Xin lại một lần độ lượng với jeans, trả chiếc quần xanh huyền thoạivề cho tuổi trẻ, để người ta và jeans lại được cùng nhau trên mọi nẻo đường tới lớp.





Tội tình chi lắm quần jeans ơi?
Previous Post
Next Post

About Author

0 nhận xét: